HOME

Saturday 10 December 2022

Ý nghĩa đón mừng giáng sinh trên thế giới

 

Giáng Sinh là một ngày lễ lớn của người Thiên Chúa giáo, ngày nay Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.


I- Phân biệt ngày 24 và 25 trong Lễ Giáng sinh


 Lễ Giáng sinh hay Christmas là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Giê-su ra đời ở Bethlehem, Judea, người Do Thái. Người ta ước tính rằng thời gian vào khoảng giữa năm 7 trước Công nguyên và năm thứ hai. Trên thực tế, Lễ giáng sinh và lễ Thiên Chúa giáng sinh là một.


Chúa Giêsu thực sự là nhân vật chính của lễ Giáng sinh.


Tuy nhiên, Noel bắt nguồn từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew có nghĩa là 'Thiên Chúa ở cùng chúng ta.' Trong tiếng Anh, ngày lễ phổ biến này được gọi là Giáng sinh. Cụm từ này có thể được chia thành hai ngôn ngữ, 'Christ' và 'Mas'. Từ 'Christ'' có nghĩa là 'Đấng cứu thế ' - danh hiệu của Chúa Giêsu và từ 'Mas' có nghĩa là thánh lễ.


Thông thường, lễ Giáng sinh được tổ chức từ đêm ngày 24/12 đến hết ngày 25/12. Tại sao một sự kiện lại được tổ chức trong 2 ngày? Sở dĩ như vậy vì người Do Thái cho rằng một ngày mới bắt đầu từ lúc chập choạng tối nên đã tổ chức sớm từ đêm 24 (gọi là lễ Vọng) trước khi sự kiện chính thức được tổ chức vào cả ngày 25 (gọi là lễ chính của ngày).


II- Đêm 24 tháng 12 - "ngày lễ Vọng" của lễ Giáng sinh



Như đã nói ở trên, theo Công giáo La Mã, đêm 24/12 là thời điểm “lễ vọng” được tổ chức để thu hút nhiều người tham gia. Trong đêm đó, tất cả các nơi như thánh đường hay từng hộ gia đình đều trang hoàng hang đá bằng máng cỏ, bên trong có tượng Chúa Giêsu Thánh Thể, tượng Đức Mẹ Maria. Có những con lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, Thánh Giuse.


III- Cây thông Noel



Hình ảnh ngày 24/12 gắn liền với sự ra đời của cây thông Noel. Trong lịch sử, từ năm 2000 đến năm 1200 trước Công nguyên, người ta nói về một cây thông Epicea được trang trí bằng hoa, trái cây và lúa mì liên quan đến ngày 24/12, ngày tái sinh của Mặt trời.


Người ta kể rằng vào thế kỷ thứ VII có một tu sĩ người Anh, Thánh Boniface (sinh năm 680) trong một chuyến hành hương đã tình cờ bắt gặp một nhóm người ngoại đạo sùng bái đang tụ tập quanh một cây sồi lớn và dùng một đứa trẻ để hiến tế.


Để ngăn cản việc hy sinh và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một cú đấm. Có một cây thông nhỏ ở nơi đó. Thánh nhân nói với những người ngoại giáo rằng cây thông nhỏ là cây sự sống và nó tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu của Chúa Kitô. Kể từ đó, người ta trồng cây thông vào dịp lễ Giáng sinh, biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới.


IV- Phong tục đón Noel các nước



 1. NaUy: Một phong tục khá kỳ lạ ở NaUy trong ngày Noel là tất cả những chiếc chổi trong các gia đình đều bị giấu đi. Người NaUy tin rằng, phù thủy và những linh hồn xấu xa sẽ thoát ra trong lễ Giáng Sinh, lấy cắp những chiếc chổi để bay lên trời.


 


2. Nhật: Người Nhật kiêng kỵ việc tặng hay gửi cho nhau bằng những tấm thiệp đỏ vì quan niệm rằng, chỉ những tờ cáo phó mới mang màu sắc đó. Do đó, thay vì tấm thiệp màu đỏ như nhiều nước khác, họ sẽ tặng nhau tấm thiệp màu trắng như những bông tuyết, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sạch.

 

 


3. Catalonia, Tây Ban Nha: Trước Giáng sinh, người dân tại Catalonia (Tây Ban Nha) sẽ trang trí một khúc gỗ nhỏ như một nhân vật trong hoạt hoạt với chiếc mũ xinh xắn và miệng cười thật tươi. “Khúc gỗ” sinh động này xuất hiện trong mỗi gia đình vào khoảng hai tuần trước lễ Giáng sinh và được chăm sóc một cách đặc biệt với khẩu phần ăn hàng ngày, gồm bánh kẹo và hoa quả. Vào đêm Giáng sinh, mọi người trong gia đình sẽ dùng chiếc gậy đánh vào nhân vật bằng gỗ này và cùng nhau ngân nga bài hát mừng Giáng sinh truyền thống.

 

 


4. Áo: Lễ Giáng sinh ở các nước khác, những đứa trẻ ngoan sẽ được nhận phần thưởng của ông già Noel, nhưng người Áo lại có cách đón Giáng sinh độc đáo hơn. Những người đàn ông trẻ tuổi sẽ hóa thân thành ác quỷ Krampus cầm gậy và roi để đuổi đánh và trừng phạt những đứa trẻ hư có tên trong danh sách “đen” của ông già Noel. Đây là một phong tục bắt nguồn từ vùng miền núi Alps nước Đức và lan rộng ra khắp Hungary, Bavaria, Slovenia đặc biệt phổ biến ở Áo.

 

 


5. Caracas, Venezuela: Đến với Caracas (Venezuela), du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác khác lạ khi đến nhà thờ vào dịp Giáng sinh. Tất cả xe cộ ngừng hoạt động giao thông trên đường phố, thay vào đó, mọi người sẽ trượt pa-tanh để tham dự thánh lễ.

 

 


6. Anh: Một trong những món ăn không thể thiếu trong lễ Giáng sinh của người Anh là bánh pudding. Điểm đặc biệt là khi làm chiếc bánh này, người Anh có truyền thống ước một điều trong lúc trộn các nguyên liệu lại với nhau theo chiều kim đồng hồ để điều ước đó trở thành sự thật.

 

 

7. Ấn Độ: Tại Ấn Độ chỉ có 2.3% dân số, khoảng 25 triệu người theo đạo Thiên Chúa, và họ mừng lễ Giáng sinh theo cách riêng. Thay vì trang trí cây thông Noel rực rỡ như nhiều nước khác trên thế giới, họ lại trang trí trên cây chuối.

 

 


8. Thụy Điển: Ở thị trấn Gavle, Thụy Điển, sau khi đêm Noel kết thúc, mọi người sẽ đốt một con dê bằng rơm khổng lồ (biểu tượng Giáng sinh của người Scandinavia từ nhiều thế kỷ qua) để ăn mừng.

 

9. Ukraine: Khác với cách trang trí ở các quốc gia khác, người Ukraine thường gắn thêm một con nhện và mạng nhện giả lên cây thông Noel. Phong tục này có phần âm hưởng của Halloween. Người ta tin rằng, sẽ mang lại vận may cho gia đình vốn xuất xứ từ câu chuyện của các bà nội trợ thời xưa về một cô gái nghèo không có đủ tiền để trang trí cho cây Noel của mình. Vào sáng Noel, cô gái thức giấc và phát hiện cây của cô đã được một mạng nhện phủ đầy những sợi tơ sáng lấp lánh.

 

 


10. Italy: Vào dịp lễ Giáng sinh, tất cả trẻ em đều háo hức đón ông già Noel trong bộ đồ đỏ nhưng ở Ý, họ lại chờ đợi một bà phù thủy mang những món quà đáng yêu mà chúng ưa thích.

 

 

11. Latvia: Đến với Latvia, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác vô cùng thú vị khi được tham gia lễ hội này ngay trên đường phố. Người dân Latvia có một phong tục kỳ lạ là những diễn viên kịch câm sẽ đeo mặt nạ theo thứ hạng được sắp xếp, thường gặp nhất là: mặt nạ gấu, ngựa, dê, dân gipxi, buồn cười hơn nữa là mặt nạ giả thây ma để đi dạo và diễn “kịch câm”.


V - MÙA VỌNG, VÒNG HOA, CÂY NẾN


a- Ý nghĩa mùa vọng :


 Mùa Vọng là mùa chuẩn bị cho Chúa Giáng Sinh,


Vòng hoa kết bằng nhánh thông được nhiều nhà thờ và gia đình dùng để nhắc nhớ đến Mùa Vọng. Vòng hoa cùng với 5 cây nến là có 4 cây nến cho mỗi Chúa Nhật dẫn tới ngày Lễ Giáng Sinh, và cây nến thứ 5 dùng cho chính ngày Lễ Giáng Sinh mầu trắng. Bốn cây kia có 3 cây mầu tím và một cây mầu hồng. 


Việc thống hối được biểu tượng bởi các cây nến mầu tím, trong khi cây nến mầu hồng biểu hiệu cho niềm vui. Cây nến chính giữa được hiểu là cây nến của Chúa Kitô và chỉ được thắp lên vào ngày Lễ Giáng Sinh. Có truyền thống là khi thắp nến, cũng có thể đọc theo một vài đoạn Thánh Kinh liên quan đến ý nghĩa của cây nến, để giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của mỗi cây nến.


b- Ý nghĩa vòng hoa: 


Vòng hoa kết bằng nhánh thông được nhiều nhà thờ và gia đình dùng để nhắc nhớ đến Mùa Vọng, nghĩa là mùa chuẩn bị cho Chúa Giáng Sinh. Vòng hoa Mùa Vọng được kết bằng các nhánh cây thông biểu hiệu cho đời sống vĩnh cửu. Vòng tròn biểu hiệu cho tình yêu muôn đời của Thiên Chúa, không có lúc khởi đầu và không có lúc chấm dứt, cũng như cho sự bất tử của linh hồn.


c- Ý nghĩa năm cây nến:


Năm cây nến gồm có 4 cây nến cho mỗi Chúa Nhật dẫn tới ngày Lễ Giáng Sinh, và cây nến thứ 5 dùng cho chính ngày Lễ Giáng Sinh (mầu trắng). Bốn cây kia có 3 cây mầu tím và một cây mầu hồng. 


1- Cây nến thứ nhất: Màu tím (Cây nến của sự tiên tri và hy vọng)


Cây nến này thường được gọi là cây nến tiên tri. Cây nến này được gọi như vậy vì biểu tượng cho những lời hứa các tiên tri đã rao truyền như những sứ điệp của Thiên Chúa, các lời hứa báo trước việc Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Cũng được gọi cây nến này là biểu tượng của niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ được Chúa Kitô xuống thế, cho nên gọi là cây nến hy vọng.


2- Cây nến thứ hai: Màu tím (Cây nến của con đường).


Cây nến thứ hai biểu hiệu rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Đường, là ánh sáng soi đường. Các Kitô hữu lạc lối trong tội lỗi và Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng đến với thế gian để chỉ đường cho họ biết lối ra khỏi nơi tối tăm.


3- Cây nến thứ ba: Màu tím (Cây nến của niềm vui).


Cây nến thứ ba bày tỏ niềm vui vĩnh cửu, chỉ có thể tìm thấy trong đời sống tại trần gian là niềm vui trong Chúa Giêsu Kitô, tất cả các niềm vui khác đều phù du và chóng qua.


4- Cây nến thứ tư: Màu hồng (Cây nến của hòa bình).


Cây nến thứ tư bày tỏ Chúa Giêsu Kitô đến, để đem hòa bình cho thế gian và cho tất cả các trái tim con người. Không có Chúa Giêsu Kitô thì thực ra không thể có hòa bình trên thế gian này.


5- Cây nến thứ năm: Màu trắng (Cây nến của Chúa Kitô hay cây nến Giáng Sinh).


Cây nến thứ năm biểu hiệu cho chính Chúa Giêsu Kitô (Jesus Christ) đã sanh ra để cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Đây là niềm hân hoan vì các lời tiên tri đã thể hiện trong việc Chúa Giêsu Kitô giáng trần, và con người có niềm hy vọng, khi Chúa Giêsu Kitô lại đến và mọi Kitô hữu sẽ được sống lại với Người.


d- Kết luận:


Các cây nến Mùa Vọng, thực ra không phải là màu của nến mới có ý nghĩa duy nhất, mà là tuần lễ trong đó cây nến được thắp lên mới có ý nghĩa. Mùa Vọng bắt đầu từ tuần lễ thứ tư trước Lễ Giáng Sinh và cao điểm là Ngày Lễ Giáng Sinh. Mỗi tuần một cây nến được thắp lên, với một ý nghĩa đăc biệt dành cho tuần lễ ấy như sau:


- Tuần Một: Hy vọng (nến tím)

- Tuần Hai: Yêu thương (nến tím)

- Tuần Ba: Hân Hoan (nến tím)

- Tuần Bốn: Bình An (nến hồng)

- Tuần năm: Ngày Lễ Giáng Sinh (Nến trắng). Ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh.


VÔ ĐÂY NGHE NHẠC THÁNH CA ĐÊM NOEL:

BẢN THÁNH CA Silent Night


...!!!...

Vivi (st)

_________________


 MÙA VỌNG THẮP NẾN


- Mùa vọng chúa nhật tuần thứ nhất (Thắp một cây nến tím)



Mùa Vọng chúa nhật đầu tiên

Thắp cây nến tím tiên tri cho đời

Đón mừng Chúa Giáng cõi người

Niềm tin hy vọng rạng ngời thế gian ! 


(Thơ Vivi)


- Mùa vọng chúa nhật tuần thứ hai (Thắp hai cây nến tím)



Mùa vọng chúa nhật tuần hai

Thắp cây nến tím tương lai soi đường

Thấy tội lỗi, biết yêu thương

Thoát nơi tăm tối về nương Chúa Trời !


(Thơ Vivi)


- Mùa Vọng Chúa nhật tuần thứ ba (Thắp ba cây nến tím).



Mùa vọng chúa nhật tuần ba

Thắp cây nến tím Hân Hoan chào đời

Niềm vui bên Chúa tuyệt vời

Trần gian thiện ý người người bình an !


(Thơ Vivi)


- Mùa vọng chúa nhật tuần thứ tư (Thắp cây nến hồng)



Mùa Vọng chúa nhật tuần tư

Thắp lên cây nến Bình An màu hồng

Còn cây nến Trắng đang chờ

Đêm đông mừng Chúa ra đời sáng trưng !


(Thơ Vivi)


- Mùa vọng chúa nhật tuần thứ năm (Thắp cây nến trắng)



Mùa Vọng chúa nhật tuần năm

Bao dung Chúa Giáng cõi trần lầm than

Cây nến trắng, bừng ánh vàng

Hồng ân Thiên Chúa ngập tràn thương yêu !


(Thơ Vivi)

No comments:

Post a Comment